“S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn đối với Việt Nam từ mức BB- lên BB. Chúng tôi khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ở B. Triển vọng là ‘ổn định’”, S&P cho biết trong thông báo phát ngày 5/4. “Ngoài ra, chúng tôi điều chỉnh đánh giá về tính chuyển đổi của Việt Nam từ BB- lên BB”.
S&P lý giải việc nâng hạng phản ánh sự cải thiện liên tục của Chính phủ Việt Nam. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tạo ra chính sách định hướng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong những năm qua. Kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, gồm tăng trưởng GDP thực tế hàng năm liên tục ở mức cao, trung bình 6,2% kể từ năm 2012.
Theo Báo Chính phủ, đây là lần đầu tiên sau 9 năm, kể từ tháng 12/2010, S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Ảnh: EPA
S&P nhận định Việt Nam có thu nhập thấp nhưng kinh tế tăng trưởng nhanh, GDP bình quân đầu người vào cuối năm 2018 khoảng 2.572 USD. Con số này là 1.754 USD hồi năm 2012. S&P cho rằng tăng trưởng kinh tế, do lĩnh vực xuất khẩu dẫn dắt, cùng với cầu nội địa mạnh sẽ giúp tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế cao hơn mức trung bình trong giai đoạn dự báo.
S&P dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế của Việt Nam là 5,7%/năm cho đến năm 2022, cao hơn mức bình quân của các nước có mức thu nhập tương đồng. GDP bình quân đầu người năm 2019 ước tính 2.695 USD.
Trích dẫn khảo sát Doing Business về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 99 năm 2013 lên xếp thứ 69 trong năm nay, tức cải thiện 30 bậc chỉ trong 6 năm, với hai yếu tố được cải thiện mạnh là thực thi hợp đồng và môi trường pháp lý.
Việc Việt Nam quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cuối năm 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong những năm tiếp theo.
S&P nhận định Việt Nam có nền kinh tế cơ cấu kinh tế đa dạng. Những cải thiện trong ổn định kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh của khu vực vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và các ngành chế tạo phục vụ xuất khẩu như điện tử, điện thoại, dệt may.
Xếp hạng đối ngoại của Việt Nam tương đối lành mạnh và ổn định. Cán cân vãng lai liên tục thặng dư và có thể duy trì tình trạng này cho đến năm 2022. Chi phí cho một đơn vị lao động quốc gia tương đối cạnh tranh, giáo dục được cải thiện, cấu trúc nhân khẩu học sẽ là những nhân tố tiếp tục thu hút FDI và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Vị thế dư nợ đối ngoại quốc gia (được tính bằng thước đo nợ nước ngoài ròng hẹp) được cải thiện, kỳ vọng ở mức trung bình 9,4% trong giai đoạn 2018 - 2021.
Về hoạt động ngân hàng, S&P đánh giá quy mô dư nợ tín dụng so với GDP là tương đối lớn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, cùng với việc ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018. Xu thế này nhiều khả năng tiếp tục được duy trì trong những năm tới, góp phần tích cực trong việc củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
“Chúng tôi có thể tiếp tục nâng hạng nếu nền tảng kinh tế vững chắc, môi trường thể chế giúp cải thiện kết quả tài khóa tốt hơn kỳ vọng và những rủi ro mang tính hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng giảm hơn nữa”, S&P cho biết.
Tuy nhiên, S&P cũng cảnh báo hạ xếp hạng nếu kinh tế Việt Nam bất ngờ giảm tốc và hoạt động tài khóa suy giảm rõ rệt.
S&P cũng liệt kê một số rủi ro từ bên ngoài như tranh chấp thương mại giữa các cường quốc kinh tế có thể làm giảm đà xuất khẩu trong ngắn hạn. Do thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, Việt Nam có thể gặp khó khăn trong trường hợp kinh tế bên ngoài giảm sâu.
Theo Như Tâm
NDH