Bản báo cáo bạch phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của công ty đã tiết lộ về khoản thu nhập ròng 111 tỷ USD trong năm 2018, con số này còn lớn hơn cả Apple và Alphabet cộng lại. Thậm chí, họ còn sở hữu đủ tiền mặt để dễ dàng thực hiện thương vụ mua lại Sabic - công ty hoá dầu được nhà nước hậu thuẫn, với 69 tỷ USD.
Dẫu vậy, nếu Aramco có tham vọng trở thành một đối thủ sừng sỏ hơn với những "ông lớn" như Shell hay Exxon Mobil, và tiếp tục giấc mơ "lên sàn", thì các nhà đầu tư đều muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn về lợi nhuận của Aramco. Ngoài ra, họ cũng muốn biết công ty này chi nhiều tiền như thế nào, từ các thương vụ đầu tư cho đến các khoản thuế, cho chính phủ.
Với kế hoạch "chuyển mình" từ vị thế là một nhà sản xuất dầu hạn chế về mặt địa lý (dù sản xuất hơn 10% dầu thô trên thế giới), trở thành một công ty năng lượng tầm quốc tế thì Aramco phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn. Ngoài ra còn một số "dấu chấm hỏi" về vấn đề cổ tức mà công ty trả cho chính phủ cùng mức thuế suất cao hơn. Vương quốc này cũng thừa nhận rằng Aramco vẫn là một nguồn tài chính chủ chốt của chính phủ, cụ thể Aramco đã nộp 63% doanh thu cho chính phủ vào năm 2017.
Norman Valentine đến từ công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: "Không có gì ngạc nhiên khi Saudi Aramco sở hữu một trong những bảng cân đối kế toán mạnh nhất trong ngành. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng là Aramco nắm giữ bao nhiêu tiền mặt sau thuế, bao nhiêu cổ tức và các khoản thanh toán nợ để rót vốn cho hoạt động mở rộng."
Các số liệu cơ bản cho thấy Saudi Aramco đang ở "trạng thái" cực kỳ khả quan. Chi phí để khai thác một thùng dầu trung bình chỉ là 7,50 USD trước thuế, đã bao gồm chi phí vốn, vượt xa các công ty năng lượng quốc tế đang nhắm mục tiêu hoà vốn là khoảng 30 USD/thùng.
Dù bản báo cáo bạch được công bố, nhưng cũng không có nhiều số liệu được tiết lộ để dự đoán mức định giá của Aramco. Theo các nhà phân tích, con số này có thể rơi vào khoảng 1 nghìn tỷ USD cho tới 1,5 nghìn tỷ USD, thấp hơn mức mục tiêu của Thái tử Mohammed bin Salman là 2 nghìn tỷ USD. Mặc dù mục đích sâu xa của việc trở thành công ty niêm yết là để giảm bớt sự phụ thuộc của Ả Rập Xê Út vào doanh thu của công ty, nhưng dường như tình trạng ấy vẫn tiếp tục diễn ra như thể Aramco đang chuẩn bị hưởng lợi từ việc nhu cầu dầu mỏ đạt đỉnh trong vòng 15 tới.
Hương Giang
Theo Trí Thức Trẻ