Cũng theo ông Hiển, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc xây dựng bảng giá đất và áp dụng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành sẽ thực hiện theo 2 phương án. Phương án thứ nhất, sử dụng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh trình HĐND, khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 60 ngày trở lên thì UBND điều chỉnh và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Với phương án này, khi điều chỉnh bảng giá đất cao hơn mà không điều chỉnh thuế thì sẽ dồn gánh nặng lên người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Phương án thứ hai, bảng giá đất sẽ được xây dựng theo định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Bảng giá, thuế, phí ổn định thì dù Nhà nước có chịu thiệt khi biến động giá cả nhưng quyền lợi người dân được bảo đảm và nhiều ý kiến đã nghiêng về phương án này. Tuy nhiên, thời hạn điều chỉnh kéo dài sẽ dẫn tới những bất cập về giá đất như giá lỗi thời so với thị trường.
Thu đất dự án “treo” phải qua HĐND
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết việc thu hồi đất trong các dự án “treo” trước đây đã quy định rõ chế tài, trong đó quy định đền bù giá trị đất cho chủ đầu tư. Dự luật lần này xác định rõ dự án nào mới chỉ có chủ trương đầu tư mà chưa giao thuê đất thì sau 3 năm không thực hiện sẽ bị hủy bỏ. Đối với những dự án đã triển khai sau 12 tháng không thực hiện và dự án chưa triển khai được nới rộng sau 24 tháng không thực hiện sẽ bị thu hồi đất. Ngoài ra, một điểm mới nữa là dự luật quy định các dự án “treo” chỉ được gia hạn một lần, tối đa là 12 tháng, thay cho luật trước đây không quy định gia hạn bao nhiêu lần.
Cũng theo dự luật, trường hợp nhà đầu tư tự thấy không đủ năng lực thực hiện dự án và trả đất trước thời điểm gia hạn thì Nhà nước sẽ có phương án thanh toán bồi hoàn. Nếu chủ đầu tư cố tình chây ì, giữ dự án khi đã quá hạn thì bắt buộc bị thu hồi và không được hưởng bồi hoàn. Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết bước tiến trong dự luật lần này là thẩm quyền thu hồi đất được lập ra hằng năm phải qua HĐND xem xét, thay vì UBND như trước đây.
Quy hoạch đất truớc quy hoạch ngành
Trước thực tế quy hoạch ngành và quy hoạch đất đai tại các địa phương chưa đồng bộ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ quy hoạch ngành phải dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước, là cơ sở phân bổ cho các ngành. Ngoài ra, trước đây quy hoạch sử dụng đất chủ yếu ở cấp tỉnh; lần này trong luật quy định rõ phải có quy hoạch đất theo vùng, sau đó gộp thành quy hoạch đất quốc gia để có cái nhìn tổng thể về việc phân bố đất ở các địa phương.