Thẩm định dự án đầu tư là quá trình kiểm tra, xem xét một cách khách quan, khoa học và toàn diện các nội dung cơ bản của một dự án đầu tư nhằm đánh giá tính hợp lý, tính hiệu quả và tính khả thi của dự án; trên cơ sở đó ra quyết định đầu tư và cấp phép đầu tư. Hay nói cách khác, thẩm định dự án là phân tích, đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư về tất cả các nội dung kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường, chính trị, công nghệ, pháp luật, tài chính… trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức, quy định của cơ quan quản lý nhà nước, tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Thẩm định dự án đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều chủ thể khác nhau:
– Đối với chủ đầu tư, thẩm định dự án đầu tư nhằm đảm bảo tính xác thực trong các thông tin và hiệu quả do dự án đem lại trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây cũng là căn cứ để nhà đầu tư tìm ra những cơ hội đầu tư tốt, tránh được những rủi ro và giảm thiểu chi phí cơ hội. Thẩm định dự án còn là cơ sở cho các nhà đầu tư lựa chọn các phương án đầu tư, xây dựng và điều hành kế hoạch đầu tư, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện dự án và tìm kiếm các đối tác liên doanh.
– Đối với nhà tài trợ, thẩm định dự án đầu tư là căn cứ quan trọng nhất để đi đến quyết định tài trợ cho dự án hay không dựa trên cơ sở tính khả thi, khả năng hoàn trả nợ của dự án và những quy định của ngành về đối tượng cho vay nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro và đảm bảo đem lại lợi nhuận.
– Đối với các cơ quan quản lý, thẩm định dự án đầu tư đứng trên góc độ quản lý nhà nước chính là xem xét các lợi ích kinh tế – xã hội mà dự án mang lại có phù hợp với các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của địa phương hay không. Dự án cần được thẩm định trên nhiều phương diện như sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, mức đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm… Từ đó có những kết luận về hiệu quả kinh tế – xã hội do dự án mang lại để ra quyết định có cấp giấy chứng nhận đầu tư hay không. Đối với những dự án phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của Nhà nước thì việc thẩm định dự án là cơ sở để từ đó cơ quan quản lý xem xét các hình thức ưu đãi về lãi suất, đất đai và thuế.