(TBTCO) - Giá trị thực tế từng tài sản của doanh nghiệp được xác định bằng đồng Việt Nam, theo danh mục từng tài sản theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính có ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định hiện hành. Đồng thời, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trước thời điểm quyết định cổ phần hóa (CPH).
Việc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Giá trị thực tế từng tài sản của doanh nghiệp được xác định bằng đồng Việt Nam theo danh mục từng tài sản theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Trong đó, đối với tài sản là hiện vật, chỉ đánh giá lại những tài sản mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng.
Giá trị thực tế của tài sản bằng (=) Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp nhân (x) chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Tài sản cố định đã khấu hao thu hồi đủ vốn; công cụ lao động, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị vào chi phí kinh doanh nhưng công ty cổ phần tiếp tục sử dụng phải đánh giá lại để tính vào giá trị doanh nghiệp theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản, công cụ, dụng cụ mua mới.
Đối với doanh nghiệp CPH có tài sản hiện vật là rừng trồng, vườn cây, khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì giá trị rừng trồng, vườn cây được xác định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Đối với tài sản hình thành theo hợp đồng BOT, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được xác định theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 27 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Trường hợp các tài sản được hình thành từ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động công ích mà doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác, sử dụng thì không tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH.
Tài sản bằng tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu...) của doanh nghiệp. Trong đó, tiền mặt được xác định theo biên bản kiểm quỹ, tiền gửi được xác định theo số dư đã đối chiếu xác nhận với ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản. Các giấy tờ có giá được xác định theo giá giao dịch trên thị trường; nếu không có giao dịch thì xác định theo mệnh giá của giấy tờ đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp CPH phải thực hiện công bố công khai thông tin về quá trình CPH doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền về xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, đất đai liên quan đến quá trình CPH, doanh nghiệp CPH phải thực hiện công bố công khai thông tin trên trang điện tử của doanh nghiệp và gửi về Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Theo Mai Đan – Thời Báo Tài Chính